Saturday, March 5, 2011

Chuyện thật, bạn tin không?



Tôi mới nhận được từ bạn bè một bài viết về chuyện một nhạc công kéo vĩ cầm bên lối đi lại trong một nhà ga tàu điện ngầm bên Mỹ.

Câu chuyện bình dị, được kể bằng một giọng văn cũng rất bình dị. Người viết hầu như chẳng cố ý nhấn nhá vào điều gì, chẳng muốn thuyết phục giáo huấn ai cả. Chỉ viết như một nhu cầu kể một câu chuyện có thật mà mình trông thấy, quan sát nó và liên hệ đôi chút với cảnh đời thế sự.

Thế mà ai đọc nó xong thì cứ/phải ngẫm nghĩ, ít hoặc nhiều. Có người cả nghĩ thì nghĩ ngợi đến mức day dứt đeo đẳng mới khổ. Cũng tự hỏi hay là mình cũng thuộc cái tạng vơ vào chuyện đâu đâu đó đó cho khổ thân? Bởi là chuyện xứ người, rất xa và cũng đã diễn ra tới hơn ba năm rồi nghĩ chi cho mệt.

Ấy vậy mà cứ phải nhớ đến và tưởng tượng đến một anh chàng Joshua Bell xa lắc bên trời tây kia cặp dưới cằm cây đàn vĩ cầm say sưa tấu nhạc bên lối đi đông người - nhưng phần lớn công chúng phớt lờ đi qua... Chợt nghĩ cả đến một người bạn được lứa chúng tôi mệnh danh là “người chơi đàn Nguyễn” quá tài nghệ một thời, một thờ cũng quá xa xôi rồi, trong những năm 1970 Hà Nội bom đạn... mà cũng chẳng mấy ai biết tới anh. Văn chương nghệ thuật là thế, càng lúc đảo điên, có sự lẫn lộn phải trái tốt xấu hoặc do con người quá lo sinh nhai sinh kế, ích kỷ chỉ nghĩ đến mình và gia đình mình... thì nó là như vậy cả.

Câu chuyện tôi nhắc đến ở phần trên thì nay vẫn nguyên vẹn dưới đây. Bài viết ấy tôi xin phép bạn bè rinh về cái blog của mình, giữ nguyên cái tên không thể đơn giản hơn: “Câu chuyện thật”.

Không thấy đề tên tác giả, tên người dịch cũng chẳng thể biết là ai, nên tôi đành để nguyên vậy, coi như là tác phẩm khuyết danh.

Đánh giá câu chuyện ra sao, hay hoặc dở, xúc động hoặc chẳng xúc động gì, bạn đọc xong có thấy rung cảm gì hay không, đương nhiên các điều đó còn tùy từng tạng người nữa. Chỉ biết chắc rằng, trong một xã hội được coi là hiện đại, tất cả như cứ ào ào cuốn đi lôi đi như tại các đô thị lớn trên khắp cái hành tinh mà chúng ta đang sống lúc này thì chắc chắn nhiều vẻ đẹp của văn hóa, của văn chương nghệ thuật khác, nói rộng hơn của bất cứ cái gì được coi như là quý giá, đẹp đẽ mà con người chúng ta trong khó nhọc khổ đau mới sinh ra được, gây dựng và sáng tạo lên được (chả lẽ) rồi cũng chung số phận với “buổi biểu diễn của anh nhạc công” vô vọng trong câu chuyện có thật như thế này ư?

Nghĩ mà thấy lo lắng trước một nếp sống gấp gáp, sống chỉ trọng sự vụ lợi và thực dụng nó đầy rẫy nhan nhản khắp các chốn đô thị đông đúc “những người là người” như hiện nay.

(Trước lúc đọc bài viết dưới đây, tôi trộm nghĩ quý bạn sẽ không phải “phí thời giờ” đâu, tôi rất tin là thế).

NV

--------------

Dưới đây là nguyên văn câu chuyện:

Câu chuyện thật

Tại một ga xe điện ngầm thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào buổi sáng tháng Giêng lạnh lẽo năm 2007, một người đàn ông đàn liên tục 6 tấu khúc của Bach trên cây đàn vĩ cầm trong 45 phút. Ước chừng hơn 2.000 người qua lại cái nhà ga xe điện ngầm kể trên trong khoảng thời gian đó và hầu hết những người ấy đều trên đường đi làm.

Sau ba phút, một người đàn ông trung niên nhận ra là có người đang chơi nhạc. Ông ta chậm bước và ngừng chân trong vài giây rồi lại hối hả theo thời khắc biểu đã định sẵn.

Bốn phút sau, người đàn vĩ cầm nhận được đồng tiền đầu tiên: một phụ nữ vừa đi vừa liệng tiền vô cái nón mà không hề ngừng lại.

Phút thứ sáu: một thanh niên trẻ dựa vào tường và lắng nghe tiếng đàn, sau đó liếc nhìn đồng hồ đeo nơi tay và bước đi.

Phút thứ mười: một bé trai khoảng 3 tuổi đứng lại nhưng bị mẹ lôi đi vội vã. Cậu bé trì lại và nhìn người chơi đàn lần nữa. Dù bị mẹ kéo đi, cậu bé vẫn luôn ngoái đầu nhìn. Nhiều đứa bé khác cũng quay đầu nhìn như thế và không cha mẹ nào lại không nhanh chóng kéo con mình đi cả.

Bốn mươi lăm phút đàn không ngừng, chỉ có 6 người thật sự dừng hẳn lại và lắng nghe trong một lúc. Khoảng 20 người cho tiền mà vẫn tiếp tục bước đi. Người chơi đàn nhận được tất cà là 32 đô la.

Sau một giờ, người đàn ông chấm dứt, thôi đàn và không gian trở nên im vắng. Không ai để ý. Không ai vỗ tay khen và cũng chẳng có ai lưu tâm. Nhưng không một ai biết điều này, người chơi đàn vĩ cầm đó là Joshua Bell, một cầm thủ lẫy lừng trên thế giới. Với cây đàn vĩ cầm trị giá trên 3 triệu rưỡi đô la, Joshua Bell đã đàn lên những tấu khúc tuyệt vời mà không ai có thể viết hay hơn đưọc nữa. Hai ngày trước đây, Joshua Bell đã trình diễn ở Boston, nơi mà giá trung bình là 100 đô la một vé và nhạc viện bán sạch không còn dư một vé nào.

Đây là một câu chuyện có thật: Việc Joshua Bell lặng lẽ chơi đàn tại trạm xe điện ngầm được báo Washington Post sắp xếp để xem cảm xúc con người trong xã hội như thế nào, họ nhận thức và lựa chọn ra sao…

Câu hỏi được đặt ra là tại nơi chốn thông thường trong giờ giấc không thuận lợi cho lắm, liệu chúng ta có nhìn ra được tài năng với bối cảnh không ngờ, và liệu chúng ta có nhận thức được cái đẹp và ngưng lại để thưởng thức nó hay không?

Có thể kết luận về chuyện này như sau: Nếu chúng ta không có thì giờ ngừng lại một chút để lắng nghe người nghệ sĩ lừng danh trên thế giới đàn những tấu khúc mà không ai có thể viết hay hơn được nữa trên một cây đàn có những âm thanh tuyệt vời nhất thì chúng ta sẽ còn mất mát và bỏ qua bao nhiêu thứ tốt đẹp khác nữa trên cõi đời này…

(Khuyết danh)

Friday, March 4, 2011

Hấp lực của dòng nhạc cổ điển



Tầm quan trọng của âm nhạc trong giáo dục con người là một trong những điểm gặp nhau của các nền văn minh Đông và Tây. Ở phương Đông, người xưa quan niệm "hưng ư thi, lập ư lễ, thành ư nhạc" tức giáo dục con người trước tiên tạo hứng khởi bằng thơ, kế uốn nắn bằng lễ và cuối cùng hoàn thiện bằng nhạc - Luận Ngữ.

Ở phương Tây, việc học nhạc từ thời thơ ấu được xem như phương tiện rèn giũa tính tự giác kỷ luật và một sự hiểu biết về các tác phẩm âm nhạc quan trọng là một phần tất yếu của nền giáo dục cá nhân tốt. So sánh với nền giáo dục hiện tại của nước ta ngày nay, tầm quan trọng của âm nhạc trong giáo dục dường như bị hạ thấp và không loại trừ chính việc này góp phần dẫn đến một sự suy đồi trong lối sống mà dư luận đang báo động.

Song song với những bức xúc vì thói vô trách nhiệm, vô kỷ luật, đạo đức giả, gian lận, sống thiếu lý tưởng, tôn thờ vật chất là những than phiền về một nền âm nhạc đầy những "thảm họa", "nhố nhăng", "vay mượn", "trộm đạo" và không vươn được ra tầm quốc tế.

Nói như thế không phải là phủ định tất cả những nỗ lực trong giáo dục âm nhạc mà vẫn phải thừa nhận có những thành tựu, tâm huyết. Song dường như những điểm sáng hãy còn quá nhỏ nhoi và hầu hết những tiếng nói có trách nhiệm vẫn chìm lỉm trong tiếng ồn của thị trường khá hỗn loạn hiện tại. Mọi tiếng nói đó đều nhắc tới sự lép vế của nền âm nhạc "nghiêm túc", đến tình trạng thiếu hướng dẫn, kế thừa trong sáng tác, trình diễn và thưởng thức âm nhạc.

Dù nói thế nào đi nữa cũng phải thừa nhận xã hội nước ta ngày nay đã là một xã hội âu hóa, chúng ta mặc âu phục, học tiếng Anh, ở trong nhà xi măng, sử dụng máy tính điện tử và đang dần chuyển sang di chuyển bằng xe hơi và thậm chí khi chơi nhạc phần lớn chúng ta cũng dùng nhạc cụ phương tây, nghĩa là có tất cả những đặc trưng bề ngoài của một xã hội âu hóa.

Ở phương Tây, việc học nhạc từ thời thơ ấu được xem như phương tiện rèn giũa tính tự giác kỷ luật và một sự hiểu biết về các tác phẩm âm nhạc quan trọng là một phần tất yếu của nền giáo dục cá nhân tốt.

Thế nhưng âm nhạc cổ điển vốn là cốt lõi không những của nền âm nhạc mà cả nền giáo dục phương Tây vẫn là một thứ khá xa lạ trong quảng đại quần chúng. Đáng buồn hơn nữa, cổ nhạc phương Đông dường như lại càng xa lạ hơn, bởi vì như nhiều nhà nghiên cứu đã thừa nhận, cổ nhạc phương Đông còn khó thấu hiểu hơn nhạc cổ điển phương Tây nhiều lần. Nếu một người không đủ năng lực hiểu nhạc cổ điển phương Tây thì khó hi vọng người đó thấu hiểu tinh túy của âm nhạc phương Đông vốn chỉ gặp gỡ với âm nhạc phương Tây ở một tầm rất cao.

Chúng ta có những nhạc viện với trình độ không quá kém cỏi, có những nhà nghiên cứu âm nhạc tầm cỡ thế giới, song nền giáo dục âm nhạc phổ thông thì gần như con số không. Môn âm nhạc ở nhà trường phổ thông vẫn bị xem nhẹ, có chăng là ở các bậc mẫu giáo và tiểu học còn ở các bậc cao hơn thì bị áp lực thi cử đỗ đạt đẩy hẳn ra rìa. Như thế làm sao chúng ta có thể mơ tới một thị hiếu âm nhạc lành mạnh, một nền âm nhạc phát triển? Bởi vì nền âm nhạc của chúng ta hiện nay chỉ tiếp nhận được phần ngọn của cả âm nhạc Đông và Tây, thiếu hẳn phần gốc, như một cành cây bị cắt lìa thân, không còn nguồn nhựa sống.



Vì vậy đã đến lúc nghĩ đến việc phổ cập kiến thức âm nhạc như một phần không thể thiếu của nền giáo dục, với tầm mức quan trọng không kém việc phổ cập chữ viết, văn học và kiến thức khoa học-kỹ thuật. Và trong khi phần lớn nội dung giảng dạy trong nhà trường hiện nay là tương đồng với các nhà trường phương Tây, chúng ta nên xuất phát từ âm nhạc cổ điển phương Tây.

Vì sao như vậy? Thứ nhất, âm nhạc cổ điển phương Tây hầu như đã được thừa nhận là nền âm nhạc cổ điển thế giới bởi nó đã được phổ cập rất rộng và có quá trình phát triển liên tục không gián đoạn, gắn trực tiếp với âm nhạc thế giới hiện đại. Chúng ta đã chấp nhận sử dụng ký âm pháp, lý thuyết âm nhạc và nhạc cụ phương Tây thì không lý do gì chúng ta từ chối âm nhạc cổ điển phương Tây vốn là cội rễ của những thứ đó.

Thứ hai, âm nhạc phương Tây được hệ thống hóa thành một lý thuyết rõ ràng, mạch lạc, cụ thể, dễ dàng giảng dạy ở mọi trình độ trong khi âm nhạc phương Đông ít được giảng giải, lý thuyết thường có mức trừu tượng cao hơn. Như đã nói, phương Tây ngày nay đang có khuynh hướng tìm đến phương Đông và ngày càng phát lộ những điểm gặp gỡ ở tầm mức cao, vì thế khởi đầu việc phổ cập từ âm nhạc phương Tây là một cách làm hợp lý mà hầu hết thế giới đều chọn lựa.

Thứ ba, âm nhạc cổ điển phương Tây phát triển ở nhiều nước, hầu hết các tác phẩm đều có nhiều bản ghi âm do những dàn nhạc trình độ cao trình tấu, tài liệu nghiên cứu cũng hết sức phong phú nên việc phổ cập là tương đối dễ dàng với những phương tiện kỹ thuật âm thanh tiến bộ và thông dụng hiện nay. Cuối cùng, tiếp cận âm nhạc phương Tây là tiếp cận một nét văn hóa toàn cầu, cũng là một cánh cửa hội nhập rộng mở cho giới trẻ đi vào nền văn hóa thế giới.

Với ý thức như thế, nhìn lại thực trạng tiếp cận âm nhạc cổ điển phương Tây ở nước ta hiện nay, rõ ràng có sự bất cập lớn. Đa số quần chúng có khái niệm hết sức lờ mờ về cái gọi là âm nhạc cổ điển. Với một số người, "nhạc classic" chỉ là "nhạc guitar classic", do cây đàn guitar đã trở thành nhạc cụ phổ biến nhất ở Việt Nam, và những bản nhạc guitar cổ điển là thể loại nhạc cổ điển duy nhất có tương đối nhiều người có dịp nghe. Đối với một số khác, khái niệm "nhạc cổ điển" và "nhạc hòa tấu" là lẫn lộn không phân biệt được. Khá ít người phân biệt được "nhạc giao hưởng", "nhạc thính phòng" là thế nào. Nhiều người trẻ nghe đến chữ "cổ điển" là đã mất hứng vì "cổ" đã có nghĩa là già nua.

Nghe nhạc đối với đa số người Việt là một hoạt động giải trí đơn thuần, ít người có thói quen thưởng thức âm nhạc một cách toàn tâm toàn ý. Người ta thường nghe nhạc trong quán cà phê, nghe trong lúc nói chuyện với nhau, lúc ăn uống hay lúc làm việc khác. Ngồi nghe một bản nhạc một cách tập trung, không làm bất cứ gì khác, không gây tiếng động và không cử động mạnh đối với nhiều người là một cực hình.

Hơn nữa, với nhiều người thì âm nhạc là bài hát, nghe nhạc là nghe ca từ, nếu không có ca từ thì người ta không "hiểu" được gì cả. Bởi vì nhiều người không được rèn luyện cách hiểu mà không thông qua ngôn ngữ, trong khi nhạc cổ điển ít khi có lời, vậy làm sao họ "hiểu" được? Nếu nói với những người này rằng chẳng có gì cần phải hiểu cả, vì nghe nhạc khác với đọc văn, chỉ cần cảm chứ không cần hiểu, họ lại càng cảm thấy kỳ lạ hơn. Và tự nhiên có một quan niệm: nhạc cổ điển rất là "khó nghe", hay nói khác là khó hiểu.

Chính vì thế, chỉ một số bản nhạc cổ điển ngắn và có tên gọi cụ thể như "Dòng sông xanh", "Ánh trăng", "Bốn mùa"... là được nghe nhiều, mặc dù người ta vẫn thấy mơ hồ về những gì bản nhạc muốn truyền tải.

Thái độ "kính nhi viễn chi", hay nói cách khác, "không hiểu thì tránh xa" càng làm cho âm nhạc cổ điển ít có người nghe. Thái độ này cũng xảy ra trong những lĩnh vực nghệ thuật trừu tượng khác như hội họa, điêu khắc, vũ đạo... nhưng nặng nề nhất vẫn là trong âm nhạc.

Rõ ràng, năng lực cảm nhận "cái trừu tượng" là khá xa lạ với quần chúng, cho dù cái gì là trừu tượng, cái gì là cụ thể, văn học hay âm nhạc thuần túy thì vẫn phải bàn cãi.

Như vậy, có thể nói công chúng ở nước ta bây giờ vẫn còn bị ngăn cách với văn hóa thế giới bởi một cái hố lớn. Cái hố đó ngày nào chưa san lấp thì vẫn còn những "thảm họa" trong âm nhạc, kiến trúc, điêu khắc, hội họa... cũng như những thứ "tầm thường" hơn như phép lịch sự xã giao hay trật tự vệ sinh công cộng.

Có một sự thiếu sót thể hiện khắp nơi trong giáo dục con người ở nước ta, mà nhiều người từng đề cập. Chẳng hạn dạy ngôn ngữ một nước nhưng ít dạy văn hóa, văn minh của nước đó, đến nỗi học sinh không viết tiếng Anh mà chỉ "viết tiếng Việt bằng chữ Anh". Hoặc dạy lái xe và luật giao thông nhưng ít dạy "văn hóa đi đường" khiến cho ùn tắc khắp nơi. Sự thiếu sót đó chính là sự coi nhẹ yếu tố văn hóa trong giáo dục.

Trở lại với âm nhạc, chúng ta học sử dụng piano, guitar..., dùng âm giai phương Tây, nhạc lý phương Tây thì cũng rất nên nghe nhạc cổ điển phương Tây, bởi nhạc cổ điển phương Tây là một cội nguồn lớn của âm nhạc hiện đại và cũng là một yếu tố không thể thiếu trong văn hóa toàn cầu, thế mới là không thiếu sót.

Chúng ta cần thời gian và những giải pháp tích cực để khắc phục các thếu sót này. Nếu như rất nhiều giáo sư, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu trong các nhạc viện của ta vẫn còn đang bó tay, chắc chẳng có ai có giải pháp gì.

Thế nhưng nếu như các nhà giáo dục, các nhà hoạt động âm nhạc và giới truyền thông của chúng ta quan tâm nhiều hơn đến việc phổ cập kiến thức, hướng dẫn văn hóa âm nhạc cho quần chúng thay vì chỉ quan tâm đến việc tổ chức biểu diễn và dạy chuyên môn thì chắc chắn tình hình sẽ khá hơn.

Song trên hết, chúng ta cần tạo một ý thức rõ ràng rằng giáo dục âm nhạc cũng có thể góp một phần rất lớn giải quyết những vấn nạn trong việc chấn hưng đạo đức xã hội hiện nay, theo tinh thần "hưng ư thi, lập ư lễ, thành ư nhạc" của Đức Khổng Tử vậy.


Vĩnh Lạc (Tuần Việt Nam)